“Tiếp sức người bệnh” – phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ TPHCM
Thời gian qua, đến khám chữa bệnh ở một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM, người dân dần quen thuộc với những chiếc áo gi-lê xanh của các bạn trẻ tham gia chương trình “Tiếp sức người bệnh” do Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên TPHCM (TT CTXHTN) tổ chức. Hơn 3 năm triển khai, chương trình đã có khoảng 4.000 tình nguyện viên (TNV) hỗ trợ khám chữa bệnh cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân.
Góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện
Trước nhu cầu thực tế các bệnh viện ngày càng quá tải và không đủ nhân lực hỗ trợ bệnh nhân, cuối năm 2013, TT CTXH đã triển khai thí điểm “Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân ở các bệnh viện” tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong 1 tháng thử nghiệm, cùng với các TNV ban đầu, các cán bộ TT CTXHTN đã vào vai người bệnh “trải nghiệm” tất cả các thủ tục khám chữa bệnh thông thường nhằm khảo sát áp lực và nhu cầu thực tế của các bệnh viện. Anh Võ Quốc Bình (cán bộ TT CTXHTN) cho biết: “Trung bình mỗi ngày, các bệnh viện tiếp nhận khoảng 10.000 bệnh nhân là quá áp lực. Để hoàn thành quy trình khám chữa bệnh cơ bản nhất (từ bốc số, chờ kêu tên, làm thủ tục, vào phòng khám, lấy thuốc theo chỉ dẫn…), bệnh nhân có thể chờ đợi mệt mỏi hàng giờ đồng hồ. Chưa kể rất nhiều bệnh nhân từ các tỉnh đổ về TP lại “lạ nước lạ cái” nên thường bị “cò bệnh viện” dẫn dắt. Tình trạng lộn xộn, đám đông thiếu kiểm soát thường xuyên diễn ra càng tạo áp lực nặng nề cho các y bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện”. Trước thực tế đó, tháng 5/2014 chương trình “Tiếp sức người bệnh” chính thức triển khai tại các bệnh viện đông bệnh nhân và tiếp nhận nhiều bệnh nhân tỉnh là: Ung bướu, Chợ Rẫy và Truyền máu huyết học.
Cũng theo anh Võ Quốc Bình, các TNV tham gia chương trình làm nhiệm vụ hỗ trợ bước đầu cho bệnh nhân, gồm: hướng dẫn xếp hàng, lấy số, hướng dẫn hồ sơ khám điều trị bệnh, hồ sơ hưởng bảo hiểm y tế, chỉ dẫn sơ đồ các phòng khám… và thậm chí là tư vấn tâm lý cho bệnh nhân. Đồng thời, các TNV còn làm cả công tác xã hội như: hỗ trợ vé xe, chi phí khám bệnh ban đầu cho bệnh nhân khó khăn; hỗ trợ chỗ ở cho các bệnh nhân ở các tỉnh xa có nhu cầu ở lại… Đến nay, các TNV đã có mặt ở 9 bệnh viện, là: Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Truyền máu huyết học, Từ Dũ, Bệnh viện Quận 2 và mới đây là Bệnh viện quận Gò Vấp.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, không giấu được cảm xúc khi nhận định: Chương trình “Tiếp sức người bệnh” với sự năng nổ, nhiệt tình của các TNV đã sẻ chia được rất nhiều áp lực cho các y bác sĩ, nhân viên y tế lẫn bệnh nhân. Giúp đỡ bệnh nhân làm quen với quy trình khám chữa bệnh, tháo gỡ những bỡ ngỡ ban đầu cũng là giải tỏa áp lực tâm lý, giúp bệnh nhân điều trị có kết quả tốt hơn.
“Góp phần hỗ trợ làm các thủ tục nhanh và thuận tiện hơn, các TNV cũng giúp giảm 30% khối lượng công việc của nhân viên bệnh viện. Quan trọng hơn, đã góp phần làm thay đổi hành vi, nhận thức của người tham gia khám chữa bệnh qua việc xây dựng văn hóa xếp hàng, cách ứng xử văn minh nơi công cộng, cũng như thay đổi cách ứng xử trở nên hòa nhã, lịch sự hơn của cán bộ, nhân viên bệnh viện đối với bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ tại Vũng Tàu, chị cho biết phải đi từ 4 giờ sáng từ Vũng Tàu đến Bệnh viện Từ Dũ khám bệnh. “Tôi thấy các TNV rất tốt. Đến bệnh viện, chưa biết đi chỗ nào đã thấy các em chào đón, hỏi han, chỉ dẫn tận tình giúp chúng tôi đỡ mất thời gian. Tôi nghĩ, chương trình này cần được nhân rộng ra nhiều bệnh viện, nhiều địa phương nữa để giúp đỡ người bệnh, đồng thời góp phần giảm áp lực cho bệnh viện”, chị Thảo bày tỏ.
Môi trường rèn luyện cho đoàn viên, thanh niên
Thực tế, ý tưởng về việc nhân rộng mô hình “Tiếp sức người bệnh” đã được thực hiện từ năm 2015 khi Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tiếp thu và phát triển chương trình “Tiếp sức người bệnh” triển khai rộng rãi trên 63 tỉnh thành. Lực lượng chính tham gia “Tiếp sức người bệnh” là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành y và công tác xã hội và chương trình cũng đem lại nhiều bài học hữu ích cho các bạn trẻ”, Anh Võ Quốc Bình cho biết.
Theo anh Võ Quốc Bình, với một môi trường không hề dễ chịu như bệnh viện, nhiều TNV đã bị “ngợp” chỉ trong 1 buổi sáng tiếp xúc, có bạn thậm thậm chí còn bỏ cơm cả tuần nhưng phần đông đều trưởng thành hơn hẳn về nhận thức và suy nghĩ. Đầu tiên là sự cảm thông và chia sẻ dành cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế phải hàng ngày, hàng giờ “vật lộn” cùng “làn sóng” bệnh nhân. Các bạn cũng đã thấu hiểu cả nỗi đau của người bệnh mà thêm trân trọng cuộc sống, quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Nhiều TNV đã gắn bó với chương trình từ buổi đầu triển khai đến nay và làm cầu nối cho nhiều bạn trẻ khác đến với chương trình. Mỗi dịp hè là chương trình lại có thêm các TNV là học sinh THPT, các du học sinh về nước nghỉ hè cùng tham gia.
Bạn Tạ Ngọc Trân (sinh viên năm cuối chuyên ngành Công tác Xã hội, Khoa Cơ bản, Cao đẳng Sư phạm Trung ương tại TPHCM) đã gắn bó cùng “Tiếp sức người bệnh” gần 2 năm qua và trải qua nhiều điểm trực từ Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Truyền máu huyết học đến Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: “Tham gia chương trình tôi thấy rất hạnh phúc và bổ ích, không chỉ vì giúp đỡ được nhiều người mà còn học hỏi được nhiều điều. Như hiện nay, tôi nắm rất rõ quy trình khám chữa bệnh ở nhiều bệnh viện, một kiến thức hữu ích cho bản thân, gia đình, người thân, bạn bè khi cần đến. Qua việc tiếp xúc, hướng dẫn các bệnh nhân, khả năng giao tiếp của tôi được nâng cao rất nhiều khiến bản thân cũng tự tin hơn, bổ sung thêm nhiều phẩm chất cho nghề nghiệp tương lai mình theo đuổi là một chuyên viên công tác xã hội”.
Đến nay, từ hiệu quả thiết thực của chương trình “Tiếp sức người bệnh”, hiện có nhiều bệnh viện đã “đặt hàng” TT CTXHTN tổ chức lực lượng TNV tại bệnh viện. TT CTXHTN cũng đang mong muốn không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn đẩy mạnh chương trình theo chiều sâu với các hoạt động thiết thực hơn nữa, như: cùng với bệnh viện chăm lo cả cho bệnh nhân nội trú thông qua việc tổ chức hoạt động cho bệnh nhân, hỗ trợ tư vấn tâm lý từ đó góp phần giảm áp lực cho bệnh nhân và cả bệnh viện.
Góp phần cải thiện chất lượng phục vụ, cải biến môi trường văn hóa ở các bệnh viện có thể nói “Tiếp sức người bệnh” đang là một trong những chương trình hiệu quả phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ TP trong xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ngọc Tuyết (Nguồn: hcmcpv.org.vn)