Để công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam

Công tác xã hội (CTXH) đã trở thành một nghề chuyên nghiệp từ lâu trên thế giới, nó cũng giống như nghề giáo viên, bác sĩ, luật sư hay một số nghề mang tính phổ biến khác ở nước ta hiện nay; không chỉ được nhà nước công nhận về mặt pháp lý mà nó còn được xã hội thừa nhận; bởi vì đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết mối quan hệ giữa con người và con người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người và sự ổn định xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều nước trên thế giới.

 Đối với Việt Nam, do đặc thù là nước mới phát triển, vừa bước vào ngưỡng cửa của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội vào năm 2010; nhận thức của xã hội, người dân và các tổ chức về CTXH và nghề này còn chưa đầy đủ và sâu sắc, do vậy chúng ta cần phải có bước đi và lộ trình thích hợp để góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy phát triển nhanh hơn nghề công tác xã hội ở nước ta.

Về mặt lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng kinh tế – xã hội càng phát triển thì càng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội giữa con người và con người, do sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội và bất bình đẳng về thu nhập, mức sống và cơ hội phát triển. Kinh tế – xã hội phát triển cộng sự bùng nổ của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế cũng làm cho con người phát triển thể chất tốt hơn, nhận thức nhanh hơn, diễn biến tư tưởng, tình cảm đa dạng hơn, phức tạp hơn và quan trọng hơn cả là nhu cầu của con người cũng đòi hỏi cao hơn; chính những điều này làm phát sinh nhiều mối quan hệ xã hội đa chiều hơn và phức tạp hơn; mâu thuẫn về lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm xã hội, lợi ích cộng đồng, lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước cũng diễn biến phức tạp hơn và hệ lụy tất yếu là có nhiều vấn đề xã hội, nhiều vấn nạn xã hội phức tạp hơn giữa con người và con người. Bối cánh và điều kiện trên cần phải thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa nghề CTXH ở nước ta.

Thời gian qua, hàng loạt các thông tư quy định chức danh, mã số ngạch viên chức CTXH, tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1215 phê duyệt đề án trợ giúp và phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng  giai đoạn 2011 -2020. Về nhân lực, ngành CTXH đã có 11 trường đại học cao đẳng triển khai đào tạo lại cho hơn 17.000 cán bộ chuyên ngành này từ trình độ trung cấp đến đại học. Hàng chục giáo trình bậc nghề CTXH được các cơ sở đào tạo biên soạn. Công tác đào tạo bậc thạc sĩ được mở rộng… số lượng và chất lượng đội ngũ làm CTXH từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là nhóm yếu thế.

Để CTXH trở thành 1 nghề chuyên nghiệp thật sự và hoạt động có hiệu quả từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh cách hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa chiến lược của việc phát triển CTXH và nghề CTXH đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta, đó là vì sự phát triển bền vững của đất nước và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam; chúng ta không thể giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn nạn xã hội đa dạng và phức tạp giữa con người với con người bằng kinh nghiệm vốn có, bằng ý chí chính trị thuần túy mà phải bằng trái tim nhân hậu và sử dụng phương pháp tiếp cận khoa học của công tác xã hội, bằng các công cụ nghiệp vụ của công tác xã hội, đó là cách để giải quyết cơ bản và bền vững nhất, hiệu quả kinh tế -xã hội cao nhất; từ đó tạo ra cầu về dịch vụ CTXH.

Thứ hai, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và vận động chính sách để hình thành khung khổ luật pháp, cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý hợp pháp cho việc phát triển nghề CTXH. Sự công nhận của luật pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp về lĩnh vực này ở nước ta. Cần phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước hình thành  các văn bản quy phạm pháp luật về mã nghề đào tạo cán bộ xã hội ở bậc cao đẳng, đại học và trung cấp chuyên nghiệp và hệ thống trường đào tạo nghề văn bản quy phạm pháp luật về vị trí làm việc của cán bộ xã hội, tiêu chuẩn nghiệp vụ nghề nghiệp; hệ thống thang bảng lương… Việc xác định mã nghề đào tạo có ý nghĩa quan trọng cho hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường nghề tiếp nhận và đào tạo cán bộ xã hội, chuyên nghiệp; Việc xác định vị trí làm việc cho cán bộ CTXH có ý nghĩa quan trọng cho việc học sinh, sinh viên theo đuổi nghề CTXH và họ sẽ yên tâm theo học; vì họ biết được sau khi học, họ sẽ có cơ hội lựa chọn việc làm và sẽ làm ở đâu để đảm bảo cuộc sống mưu sinh của họ và gia đình họ.

Thứ ba, hình thành mạng lưới tổ chức và đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ CTXH cho các đối tượng xã hội có nhu cầu, nhưng trước mắt cần nghiên cứu thử nghiệm ở cộng đồng đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, cá nhân, cộng đồng có vấn đề xã hội, cộng đồng yếu kém; CTXH ở trường học, bệnh viện, ở tòa án, trong điều tra xét hỏi của lực lượng công an… Đây là  những yếu tố quan trọng hình thành ngành nghề mới mang tính chuyên nghiệp của nước ta.

Đồng thời cũng cần hình thành các chương trình, đề án riêng về cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các Bộ, ngành, địa phương, đó là một nhiệm vụ quan trọng để tạo cung – cầu về dịch vụ CTXH. Thông qua các chương trình, đề án này các bộ ngành, tổ chức và người dân có cái nhìn thực tiễn hơn, hiểu biết cụ thể hơn về lợi ích của dịch vụ CTXH và từ đó mới tạo được cung và cầu  về dịch vụ CTXH ở nước ta.

Thứ tư, thúc đẩy việc hình thành Hiệp hội Công tác xã hội cấp quốc gia để bảo vệ quyền và lợi ích của những người làm CTXH chuyên nghiệp; đồng thời cũng thúc đầy việc hình thành Hiệp hội các trường đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. đối với Hiệp hội công tác xã hội cũng cần nghiên cứu hình thành Quy chế đạo đức đối với cán bộ xã hội (tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp); Hiệp hội các trường đào tạo cán bộ xã hội chuyên nghiệp cần phối kết hợp để hình thành khung chương trình đào tạo cán bộ xã hội ở các bậc học khác nhau.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nghề CTXH cả đa phương, song phương và phi Chính phủ, qua đó để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức và huy động thêm nguồn lực cho quá trình phát triển đi lên chuyên nghiệp ở nước ta. Trong điều kiện nhận thức, kinh nghiệm và nguồn lực còn hạn chế thì việc mở rộng hợp tác quốc tế để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm là con người đi ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Tóm lại, muốn phát triển nhanh và bền vững nghề CTXH mang tính chuyên nghiệp ở nước ta đòi hỏi phải giải quyết tốt cả 3 nhóm vấn đề: tìm con đường đi ngắn nhất để xã hội thừa nhận; Để Nhà nước công nhận; Hình thành được mạng lưới tổ chức, cán bộ thực hành cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và hiệu quả trên các lĩnh vực xã hội mà người dân có nhu cầu.

TS. Nguyễn Hải Hữu (theo tinmoi.com)
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.