Công tác xã hội trong bệnh viện còn nặng tính tự phát

Công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mô hình này ngành y tế đã dày công xây dựng 2 năm qua nhưng đến nay vẫn mang nặng tính tự phát.

Công tác xã hội (CTXH) ngành khoa học còn mới ở nước ta song lại rất quan trọng và cần thiết đối với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội trong đó có ngành y tế. Tại các nước phát triển CTXH có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chăm sóc sức khỏe người dân đặc biệt trong quá trình phục hồi chức năng, chăm sóc tâm lý xã hội cho các bệnh nhân, người bị khủng hoảng, người nghiện ma túy, người hành nghề mại dâm, người mắc HIV/AIDS…

Bộ Y tế nhận định, CTXH có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, người bệnh với người xung quanh. Do đó người làm CTXH sẽ có nhiệm vụ tìm hiểu đặc điểm tâm lý, xã hội của bệnh nhân, hoàn cảnh của họ từ đó tìm ra sự hỗ trợ thích hợp. Hoạt động trên sẽ là cầu nối giữa bệnh nhân với các dịch vụ công, đồng thời cũng là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Chợ Rẫy là bệnh viện đã xây dựng được mô hình CTXH rất hiệu quả

Chợ Rẫy là bệnh viện đã xây dựng được mô hình CTXH rất hiệu quả

Nhận thức vai trò quan trọng của ngành CTXH năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển công tác xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020”. Tiếp đó, năm 2011 Bộ Y tế phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế” với mục tiêu mang lại môi trường khám chữa bệnh thân thiện và hiệu quả.

Sau hai năm rốt ráo triển khai, CTXH trong ngành y tế đã xuất hiện tại một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Bước đầu hoạt động này đã góp phần cung cấp các thông tin theo yêu cầu của bệnh nhân và thân nhân người bệnh; kết nối bệnh nhân với các dịch vụ trong và ngoài bệnh viện; hỗ trợ sinh hoạt vận động đối với những bệnh nhân khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Tuy nhiên, hoạt động trên còn mang tính tự phát chưa thành một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc ngành. Đến nay, đội ngũ cán bộ tham gia CTXH chủ yếu xuất phát từ tấm lòng từ thiện và kinh nghiệm chứ chưa được đào tạo chuyện nghiệp về kiến thức, kỹ năng CTXH.

Thực tế cho thấy CTXH tại cồng đồng như thăm hỏi động viên, hỗ trợ điều trị và hỗ trợ phục hồi chức năng, hòa nhập xã hội cho bệnh nhân các Chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia còn bị bỏ ngỏ. Hầu hết các hoạt động này đang phụ thuộc vào các tổ chức từ thiện, Hội bảo trợ bệnh nhân. Mặt khác, nhân viên CTXH tại tuyến cơ sở chưa có sự kết nối, phối hợp với nhân viên y tế.

CTXH hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

CTXH hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Một kết quả nghiên cứu về thực trạng CTXH tại các đơn vị y tế vừa được Viện chiến lược và Chính sách Y tế công bố cho thấy, mới chỉ có 5/22 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có đầu mối CTXH. Trong khi đó mô hình tổ chức đầu mối chuyên trách CTXH tại 17/22 bệnh viện không đồng nhất mà còn lồng ghép với các hoạt động trong từng khoa phòng trực thuộc theo hình thức kiêm nhiệm. Một số bệnh viện phải đối mặt với những thách thức như thiếu cơ sở pháp lý về mô hình tổ chức, định biên, thiếu chế độ đãi ngộ với những người thực hiện…

Trước tình hình trên bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện Trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế khuyến nghị, cần có lộ trình phát triển nghề CTXH trong ngành Y. Để phù hợp với nhu cầu và khả năng thực tế của các đơn vị, từ này đến năm 2015 ngành y tế cần chú trọng hình thành và phát triển nghề CTXH tại bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh sau đó mới mở rộng đến bệnh viện tuyến huyện.

Về yêu nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên ngành CTXH trong thời gian tới, bà Hạnh cho rằng, ở các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, nên có bộ phận chuyên trách CTXH trực thuộc Ban giám đốc với 10 đến 25 người; bệnh viện tuyến huyện cần khoảng 5 nhân viên CTXH chuyên trách thuộc phòng Điều dưỡng và 20 nhân viên CTXH kiêm nhiệm.

 

Vân Sơn (theo dantri.com)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.