Tay ngang không thể làm nhân viên xã hội

Cuối năm 2012, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) thanh niên thành phố (trực thuộc Thành đoàn TP.HCM) vừa đưa vào hoạt động dịch vụ hỗ trợ tâm lý miễn phí và nhà tạm trú khẩn cấp.

Hoạt động công tác xã hội chủ yếu tập trung ở đối tượng trẻ mồ côi, người già neo đơn… Trong ảnh: các bạn trẻ CLB từ thiện Nhân Sinh thăm cụ già neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ người già và người khuyết tật Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM)

Anh Trần Bá Cường, giám đốc trung tâm, cho biết trước mắt dịch vụ hỗ trợ tâm lý miễn phí chỉ phục vụ vào mỗi sáng thứ năm (qua đường dây nóng 1800545453) và sáng thứ sáu (trực tiếp tại địa chỉ 5 Đinh Tiên Hoàng, quận 1).

Anh Trần Bá Cường

Anh Trần Bá Cường – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố.

* Nhà tạm trú khẩn cấp có chức năng gì, thưa anh?

– Gọi là “nhà” nhưng thật ra mới chỉ là căn phòng với tám giường ngủ dành cho các thân chủ không may rơi vào tình thế chẳng biết đi đâu về đâu mà cũng không có tiền thuê chỗ ở, cần tạm lánh mặt do gặp sự cố nguy hiểm hoặc có nguy cơ rơi vào cạm bẫy cuộc đời. Chẳng hạn như một trẻ đường phố đang bị rượt đánh hoặc bị dụ dỗ gia nhập các băng nhóm giang hồ có thể vào tạm lánh tại đây, sau đó có thể được hỗ trợ tìm người thân, hồi gia, tham vấn, chuyển gửi cơ sở bảo trợ xã hội…

* Ngoài trẻ em, trung tâm còn hỗ trợ gì cho các đối tượng khác?

– Chúng tôi được Ban chỉ đạo Đề án 32 (Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020) cấp TP giao nhiệm vụ xây dựng một trung tâm cung cấp đa dịch vụ CTXH. Đồng thời, UBND TP.HCM đã có quyết định bổ sung nhiều chức năng mới cho trung tâm như kết nối và cung cấp dịch vụ CTXH, hỗ trợ phát triển cộng đồng, nâng cao nội lực của các đối tượng yếu thế (trẻ mồ côi, người già…), hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ khác cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng do nguồn lực còn giới hạn nên trung tâm chưa thể bung ra nhiều dịch vụ cho nhiều đối tượng.

Cũng cần nói thêm các hoạt động của trung tâm sẽ khó mang lại hiệu quả nếu chỉ riêng lẻ mà không gắn kết trong một mạng lưới hỗ trợ chuyên nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi đang tích cực kết nối với các trung tâm CTXH, cơ sở bảo trợ xã hội, đơn vị hỗ trợ tâm lý; các đội, nhóm, câu lạc bộ CTXH và tình nguyện. Việc kết nối này sẽ không hình thức mà diễn ra trong quá trình thực tế phối hợp hỗ trợ đối tượng. Hiện văn phòng kết nối thông tin nguồn lực tình nguyện của trung tâm đang thực hiện phần việc này cả trực tiếp lẫn online.

* “Hỗ trợ chuyên nghiệp” như anh nói là như thế nào?

– Trước đây, hoạt động của trung tâm chủ yếu mang tính phong trào và phần nào còn nặng tính từ thiện như thăm hỏi hay tặng quà cho đối tượng khó khăn. Nay các hoạt động phong trào ấy vẫn được duy trì nhưng theo hướng có khảo sát, điều tra, nắm bắt chính xác nhu cầu lẫn tâm tư nguyện vọng của đối tượng và xây dựng kế hoạch hỗ trợ lâu dài hướng đến sự phát triển, khơi dậy tiềm năng và sự vươn lên của đối tượng.

Chuyên nghiệp trong hoạt động CTXH là hiểu rõ nhu cầu đối tượng, giúp “cần câu” (thông tin, kiến thức, tay nghề, phương pháp, kỹ năng) để đối tượng tự giúp mình theo hướng lâu dài hay vĩnh viễn, chứ không phải và không nên cho “con cá” (vật chất) vốn chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt mà có khi lại vô tình triệt tiêu tiềm năng của đối tượng.

Chuyên nghiệp hóa CTXH còn là sự hành nghề chuyên nghiệp của các nhân viên xã hội. CTXH là tạo ra sự thay đổi tích cực cho đối tượng một cách bền vững, do đó người làm CTXH phải có tay nghề chuyên môn. Nhân viên xã hội vừa là nhà giáo dục, nhà tham vấn, lại vừa vận động chính sách và nguồn lực… nên người tay ngang không thể làm được. Họ phải được đào tạo bài bản và sống được với những giá trị và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Chính vì vậy, chúng tôi đang tập trung đào tạo nhân lực cho các hoạt động tương lai.

* Cụ thể là đào tạo như thế nào và đầu ra có thật sự chuyên nghiệp?

– Từ năm 2011, trung tâm đã tập huấn khóa đầu tiên nhằm trang bị triết lý, các giá trị – nguyên tắc, phương pháp và lịch sử phát triển nghề CTXH cho 60 cá nhân là thường trực quận – huyện đoàn và thủ lĩnh các đội, nhóm, câu lạc bộ CTXH. Trong năm 2012 vừa qua, chúng tôi tiếp tục bồi dưỡng thêm về các kỹ năng thực hành CTXH như truyền thông, tham vấn, thu thập và xử lý thông tin, xác định nhu cầu đối tượng…

Các khóa tập huấn như thế là quá ít ỏi để hành nghề, nhưng vì là đào tạo không chính quy nên phải làm nhiều đợt cho cùng một người để nâng dần kiến thức, thái độ, kỹ năng và kết hợp thực hành trải nghiệm. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ chọn ra những cá nhân có đam mê nghề nghiệp, có tiềm năng để đào tạo chính quy trung cấp, cao đẳng và ĐH chuyên ngành CTXH.

Chúng tôi hi vọng các bạn trẻ đầy lửa nhiệt tình và đam mê nghề CTXH khi đến với trung tâm sẽ được tiếp sức thêm để hỗ trợ tốt hơn cho đối tượng, tạo điều kiện để phát triển thành nhân viên xã hội chuyên nghiệp được xã hội công nhận và sống thật với nghề nghiệp của mình.

Thái Bình (Theo TT)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.