Nhận diện nghề công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay
Ngày 25/3/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Cho đến nay, nghề công tác xã hội (CTXH) đã và đang dần hình thành, phát triển ở Việt Nam. Song về cơ bản, việc phát triển nghề này hiện nay vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp và thiếu tính bền vững.
Thực tế, CTXH đã được rất nhiều nước trên thế giới công nhận là một nghề chuyên nghiệp. Đội ngũ những người làm CTXH trên thế giới được đào tạo rất cơ bản và đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội đồng thuận, lành mạnh, công bằng, vì hạnh phúc của con người. Đây là hoạt động chuyên nghiệp được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm hỗ trợ đối tượng có vấn đề xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng) giải quyết các vấn đề gặp phải, cải thiện hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập xã hội theo hướng tích cực, bền vững. Kể từ sau khi Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam được ban hành, CTXH đã như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức. Tính đến nay, cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ xã hội. Theo Đề án, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số. Cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, tuy nhiên phần lớn (81,5%) chưa qua đào tạo. Tại TP.Hồ Chí Minh, địa phương có tiềm năng lớn nhất về nhân lực CTXH, có tới hơn 5.000 người làm việc trong lĩnh vực này, nhưng phần lớn cũng chưa được đào tạo chuyên sâu về CTXH. Thực tế thống kê của Khoa CTXH – Xã hội học – Đông Nam Á học, Trường ĐH Mở TP.Hồ Chí Minh cho thấy, cả nước có hơn 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành CTXH, thế nhưng, hiện chưa có cơ sở xã hội nào tuyển và trả lương cho những chức danh theo quy định về “mã nghề” do Bộ Nội vụ ban hành. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới chất lượng đào tạo nghề CTXH. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu – nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, ở nước ta hiện nay, số cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, số lao động tự do trực tiếp chăm sóc người già ở các gia đình, bệnh viện cũng lên tới gần chục nghìn người; số cộng tác viên làm công tác dân số và bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các thôn, bản lên tới 162.000 người. Trừ số cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học và cao đẳng, còn lại hầu hết chưa qua đào tạo cơ bản. Họ chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao kỹ năng và hiểu biết về CTXH. Có thể nói rằng, mạng lưới cán bộ, nhân viên CTXH ở nước ta chưa được thiết lập cơ bản và hệ thống, do hạn chế về nhận thức và thiếu thể chế, chính sách. Mặc dù nước ta có đội ngũ cán bộ văn hoá – xã hội ở cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ, nhân viên trong các trung tâm bảo trợ xã hội, cán bộ hoạt động trong hệ thống hội Chữ thập đỏ và các tổ chức cung cấp dịch vụ cho người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật…, nhưng họ là những nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp, chưa có hiểu biết và kỹ năng đầy đủ về CTXH. Những nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp này có thể là các cán sự xã hội tại các trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn, chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS hay phục hồi nhân phẩm (gọi chung là trung tâm bảo trợ xã hội) và thu nhập của họ phụ thuộc hầu hết vào chính các trung tâm này. Và những người làm CTXH bán chuyên nghiệp này, như nhận định của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), chủ yếu làm việc theo bản năng và trực giác, thiếu nhận thức, hiểu biết kỹ năng cần thiết về nghề CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết trợ giúp cá nhân, nhóm cộng đồng xã hội có nhu cầu cũng hạn chế. Tính đến thời điểm này, người dân vẫn còn chưa biết nhiều đến CTXH, đến cán bộ, nhân viên CTXH; vai trò, nhiệm vụ CTXH là gì và sự khác biệt CTXH với các ngành nghề liên quan khác. Có thể nói rằng, CTXH tại Việt Nam chỉ đang hướng tới chuyên nghiệp, còn thiếu các điều kiện phát triển và nhân lực. Để CTXH thực sự chuyên nghiệp Phải thừa nhận rằng, hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn hoặc đồng nhất hoạt động từ thiện, nhân đạo, tình nguyện với CTXH. Do đó, hơn lúc nào hết, cần đẩy nhanh và đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ Đề á phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, hoàn thiện khung pháp lý đồng thời với triển khai truyền thông rộng rãi để cán bộ, viên chức, người dân hiểu đúng về CTXH và các dịch vụ CTXH. Trước tiên, cần xác định rõ vị trí làm việc và tiêu chuẩn hoá một số chức danh cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thuộc khối cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; một số chức danh ở các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, một số tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức phi chính phủ có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH phải đạt trình độ đào tạo đại học hoặc cao đẳng về CTXH. Số nhân viên trực tiếp chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật ở các cơ sở bảo trợ xã hội, các bệnh viện hoặc hành nghề tự do chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật ở gia đình phải có trình độ trung cấp, sơ cấp về CTXH, hoặc ít nhất cũng phải có chứng chỉ nghề (tương tương trình độ sơ cấp). Thứ hai, ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng về CTXH vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, để họ có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế công tác. Thứ ba, tạo khung khổ pháp lý để phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội, kể cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; qua đó, thu hút được những người qua đào tạo cơ bản về CTXH vào làm việc, khắc phục tình trạng học một nghề ra làm việc nghề khác, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực quý giá này. Thứ tư, tạo hành lang pháp lý cho việc hành nghề tự do cung cấp dịch vụ CTXH với tư cách là nhà tham vấn, tác nhân phát triển cộng đồng, nhà nghiên cứu khoa học để sử dụng số cán bộ được đào tạo cơ bản này thật sự hiệu quả. Thứ năm, tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CTXH và dịch vụ CTXH, thông qua đó để “kích cầu” sử dụng dịch vụ CTXH. Thứ sáu, các Bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng nghiên cứu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý và môi trường xã hội thuận lợi cho việc sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo cơ bản về CTXH. Thứ bẩy, cần làm tốt công tác dự báo cung- cầu nguồn nhân lực về CTXH để có kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực này một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí đào tạo cho người học và Nhà nước./. |
Theo cpv.org.vn |