ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN

“Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật” (WHO, 1946). Ta thấy sức khỏe như vậy cần có đủ cả ba yếu tố: sảng khoái về thể chất, sảng khoái về tâm thần và sảng khoái về xã hội. Một người có bệnh đến bệnh viện thì thể chất của họ đang có vấn đề, nhưng nỗi lo âu và sợ hãi của họ còn lớn hơn, bởi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, bên cạnh đó là những xáo trộn về công ăn việc làm, về các mối quan hệ, chuyện tiền bạc, đi lại, ăn ở,… bao nhiêu thứ làm cho họ sống như trong đám sương mù!

Cho nên nhìn người bệnh mà chỉ thấy có bệnh không thấy có người là một thiếu sót lớn. Ngày nay với những tiến bộ vượt bậc của  y học, với máy móc kỹ thuật tân kỳ, thì khoảng cách giữa thầy thuốc với bệnh nhân ngày càng xa ra và y khoa dần thiếu bóng dáng con người. Bệnh tâm thần ngày càng phát triển. Tâm thần trở thành một trong 3 ưu tiên bên cạnh sức khỏe của người già và trẻ em. Tình trạng đô thị hóa, di dân, biến đổi khí hậu, bệnh do hành vi lối sống gây ra ngày càng gia tăng, các yếu tố nguy cơ rượu, thuốc lá, ma túy, mại dâm,… ngày càng nhiều, không kể thiên tai, chiến tranh, tai nạn thương tích,… Vấn đề sức khỏe thực chất là một vấn đề xã hội.

Các nghiên cứu cho thấy, đa số bệnh nhân đến bác sĩ là có vấn đề stress đằng sau những bệnh chứng. Bác sĩ chỉ quan tâm chữa cái đau trước mắt. Có thể nói, bác sĩ chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Nhưng không thể trách họ được, Họ học để làm điều đó. Nhiệm vụ của bác sĩ là điều trị bệnh, nhiệm vụ của điều dưỡng là chăm sóc bệnh.

Cho nên nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện là rất cần thiết, góp phần tích cực trong việc giúp đỡ toàn diện người bệnh nhờ quan tâm đến những vấn đề tâm lý – xã hội của họ bên cạnh người thầy thuốc chữa bệnh. Dù dưới màu áo nâu sòng, áo chùng xám hay blouse xanh blouse hồng,… mỗi khi họ xuất hiện, người bệnh đã có thể thấy yên tâm, bởi có thể nói với họ những điều chưa dám nói, vì họ biết lắng nghe, biết tôn trọng, biết thấu cảm. Lớp sương mù che khuất tầm nhìn được lau sạch đi, tấm màn được vén lên, giúp họ nhìn rõ để có những quyết định đúng. Xung đột sẽ giảm, nỗi lo sợ vơi đi, lòng tự tin vươn lên.

Bác sĩ, điều dưỡng cũng có thể làm được như vậy, nhưng họ không có thì giờ bởi nhiệm vụ chính của họ là chữa bệnh. Bác sĩ phải tìm kiếm các dấu chứng, triệu chứng, làm các xét nghiệm để đi đến chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Họ cần bình tĩnh và nhiều khi lạnh lùng, luôn giữ một khoảng cách khoa học. Điều dưỡng lo chăm sóc người bệnh, giám sát tình trạng bệnh lý. Chỉ có người nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện mới là người gần gũi người bệnh, nhạy cảm với những đáp ứng con người, lắng nghe được nỗi khổ của người bệnh và tìm cách giúp đỡ họ.

Công tác xã hội trong bệnh viện là một nghề đặc biệt. Ở các nước phát triển đã hình thành từ lâu. Ngành y tế nước ta cũng đã và đang bắt đầu triển khai hoạt động. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện một cách đúng đắn sẽ tạo thêm sự cồng kềnh, nặng nề, tăng thêm khó khăn cho người bệnh khi đến với y tế.

Nhân viên công tác xã hội ở bệnh viện hẳn phải khác với nhân viên công tác xã hội ở các lãnh vực khác. Trước hết, họ phải là người có tấm lòng nhân hậu, chín chắn,  nhạy cảm với cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh, không thiên vị, không phân biệt đối xử. Họ phải có kỹ năng truyền thông tốt, biết lắng nghe, thương thảo, khơi dậy, có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, phối hợp,… Họ cũng có mối quan hệ rộng rãi ở cộng đồng, với giới truyền thông, với các tố chức, các trung tâm xã hội như một mạng lưới để hỗ trợ một cách cụ thể khi cần. Họ có kỹ năng tham vấn tâm lý, biết tôn trọng, chân thành và thấu cảm nhưng giữ tinh thần khoa học, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi văn hoá cá nhân. Luôn kiên nhẫn và từ bi hỷ xả. Đồng thời, họ là một nhân vật trung gian, đại diện cho cả hai phía, bệnh viện và bệnh nhân, thiết lập mối quan hệ bình đẳng và truyền thông có hiệu quả giữa hai phía, giúp giảm xung đột, nâng cao hiệu quả điều trị.

Đặc biệt, ở trong môi trường y khoa, họ phải thấm nhuần Y đức: trước hết không gây hại – gây hại ở đây không chỉ dùng thuốc hay kỹ thuật y khoa mà là lời ăn tiếng nói, cử chỉ, thái độ. Họ phải tôn trọng sự tự chủ của bệnh nhân và của thầy thuốc. Trung thực, công bằng và bình đẳng, biết tôn trọng nhân phẩm con người, biết giữ bí mật nghề nghiệp. Với những đòi hỏi như vậy, đầu vào sẽ rất quyết định, người nhân viên công tác xã hội phải được chọn lọc kỹ, qua một cuộc phỏng vấn, một bài tự luận chẳng hạn là rất cần thiết. Trong quá trình hoạt động, họ cần được quan tâm tạo điều kiện để có cuộc sống ổn định, có cơ hội thăng tiến. Họ cũng rất cần sự hỗ trợ tâm lý cho chính bản thân, bởi không khỏi đôi lúc thất vọng, nản lòng.

Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng “chiếc áo” của người nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện cũng là của những… “thầy tu” vậy!

BS. ĐỖ HỒNG NGỌC (Theo giaoducsuckhoe.soctrang.gov.vn)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.