Đề cao tinh thần cộng đồng
Dù là thanh niên trong thời kỳ nào, tinh thần vì cộng đồng vẫn là một tố chất cần phải có, cần phải được khơi gợi và phát triển thành nền tảng.
Thành viên CLB iGo hướng dẫn trẻ em tại Phình Sáng (Điện Biên) đánh răng – Ảnh: Viết Hà
Tại các trường ĐH hiện nay, có những CLB, đội nhóm tình nguyện xung kích về vùng sâu, miền xa để trải nghiệm, để chứng kiến tận mắt những khó khăn của người dân, góp phần nhỏ bé của mình vào việc cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Phùng Viết Hà, chủ nhiệm CLB iGo vì cộng đồng (ĐH FPT), vừa trở về sau chuyến đi tình nguyện “Lớp học cho em” tại Phình Sáng, Điện Biên, chia sẻ: “Chuyến đi như một trải nghiệm, một sự đồng cảm với những mảnh đời còn đang gặp khó khăn”. Hà kể: các thành viên trong CLB iGo của ĐH FPT ngoài việc phải đảm bảo việc học, còn tự lên kế hoạch cho những chuyến đi suốt thời gian học tập. Lúc đi hiến máu cứu người, khi thì đến với bệnh nhân ung thư, lúc lại thực hiện chương trình “Áo ấm Hà Giang”, cuối năm lại có chương trình “Ấm lòng ngày tết”. Tất cả đều hướng đến cộng đồng, đến những trẻ em, những gia đình nghèo khó tại các vùng biên giới.
Qua những chuyến đi đến những nơi khó khăn của đất nước, Hà và sinh viên ĐH FPT trong CLB iGo đều hoàn thiện hơn ý chí vượt qua khó khăn và thấm nhuần tinh thần tương thân tương ái, đồng cảm với những phận đời còn khó khăn hơn mình. “Ở đâu cần giúp đỡ, ở đó có bàn chân chúng tôi” – phương châm này Hà và các thành viên CLB iGo luôn tâm niệm như một lý tưởng sống.
Tại TP.HCM, có một nhóm sinh viên khác luôn âm thầm thực hiện những chuyến mùa hè xanh ở các vùng sâu vùng xa tại miền Tây, miền Đông Nam bộ. 13 năm rồi hoạt động này luôn được duy trì, lớp đàn anh ra trường thì lớp đàn em tiếp bước. Năm nào các bạn đều dành ra một tháng rưỡi mùa hè không đi về quê, không đi làm thêm, chỉ để đến với những trẻ em tại những nơi khó khăn nhất, từ Bình Phước đến Cà Mau, từ Hậu Giang lên Đắk Lắk. Ở đâu các bạn cũng nỗ lực hết mình, tranh thủ thời gian một tháng rưỡi giúp các em học sinh ôn luyện kiến thức, giúp người dân đào hố vệ sinh, ăn sạch, uống chín, phòng những bệnh thông thường.
Trung thu thay vì ở lại Sài thành hoa lệ, các bạn lại đến những vùng sâu vùng xa, tổ chức hội chợ, văn nghệ cho trẻ em nghèo. Giáp tết, thay vì tranh thủ mua sắm, các bạn tổ chức quyên góp quần áo, quà… đi trao tặng cho những người vô gia cư, những người xa quê không có điều kiện về nhà ăn tết.
Một thành viên trong nhóm chia sẻ: mỗi chuyến đi, cả nhóm lại thấy mình trưởng thành hơn, ý thức hơn trong học tập và cuộc sống. “Còn nhiều mảnh đời bất hạnh, còn nhiều người đang khó khăn, được sống và học tập thế này đã là một may mắn trong đời. Mình phải học thật tốt để trở thành người có ích, sau này còn có điều kiện giúp đỡ cộng đồng” – một thành viên khác chia sẻ.
Sau 13 năm thực hiện Mùa hè xanh, nhiều thành viên trong nhóm sinh viên ấy đã trưởng thành, có công ăn việc làm, xây dựng gia đình ổn định. Hằng năm họ vẫn dành ra một khoản tiền, một khoảng thời gian nhất định để cùng với lớp đàn em tiếp tục đến những vùng sâu, vùng xa…
Bởi thế, tinh thần vì cộng đồng, hơn lúc nào hết, phải trở thành một trong những tố chất căn bản của thanh niên. Từ đó, thanh niên mới thật sự trở thành rường cột của nước nhà một cách nhân bản và bền vững.
Theo TT