Phát triển nghề công tác xã hội tại bệnh viện

Chắp nối nhu cầu của bệnh nhân nghèo tới các nhà hảo tâm, tư vấn tâm lý và giải tỏa những bức xúc hay mâu thuẫn, chia sẻ buồn đau của bệnh nhân, thực hiện hoạt động xã hội trong bệnh viện… Công việc của nhân viên công tác xã hội (CTXH) tại các bệnh viện tuy không mới nhưng tần suất và số lượng đầu việc tăng nhanh.

Làm dâu trăm họ

Một ngày như thường lệ, chị Ngô Bình Minh – nhân viên phòng CTXH, BV Nhi T.Ư (Hà Nội) – bắt đầu công việc gặp gỡ những gia đình bệnh nhân nghèo. “Qua thống kê của các khoa về bệnh nhân thiếu tiền khám bệnh, cần tiền phẫu thuật khẩn cấp, không có đồ ăn… chúng tôi sẽ chắp nối và tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà tài trợ”. Không chỉ vậy, công việc của chị Minh còn là tham gia hỗ trợ nhân viên y tế tư vấn cho người nhà bệnh nhân về phác đồ điều trị, trấn an tinh thần, giải tỏa các căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân với cơ sở y tế hoặc bác sĩ…

Nhu cầu nhân viên Công tác xã hội rất lớn

Theo chị Minh Thu – Trưởng phòng CTXH, bệnh viện Nhi T.Ư – dù có nhiều nỗ lực nhưng bác sĩ không thể hiểu hết nhu cầu, hoàn cảnh của bệnh nhân. Nhân viên CTXH sẽ làm giúp và chuyển thông tin để bác sĩ có những liệu pháp trị liệu về tâm lý phù hợp. Nhân viên CTXH còn tổ chức hoạt động xã hội trong bệnh viện, qua đó  phần nào giảm tình trạng “cò mồi”.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai – việc khám bệnh ở nhiều bệnh viện chủ yếu vẫn do cán bộ có chuyên môn y tế. Nhiều khoa luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân và người thân luôn cần sự hỗ trợ và giải tỏa tâm lý lớn. Bù đắp vào thiếu hụt này chính là công việc của nhân viên CTXH. Làm việc khá vất vả, nhân viên CTXH luôn phải chịu sức ép từ nhu cầu của bệnh nhân và người thân, tần suất công việc và cả nguy cơ lây nhiễm từ các bệnh nhân…

Cần cả chất và lượng

Theo nhiều chuyên gia CTXH, nghề CTXH trong ngành y cần phát triển ở 3 cấp độ: Cộng đồng, bệnh viện và ở cấp hoạch định chính sách. Trong đó, cấp độ bệnh viện cần nhân viên CTXH xuất hiện nhiều nhất. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước có hơn 1.000 bệnh viện với 300.000 giường bệnh, gồm: Khoảng 40 bệnh viện T.Ư, gần 350 bệnh viện cấp tỉnh với khoảng 200.000 giường bệnh. Theo TS Hoàng Bích Hường – GĐ TT đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân số – y tế (Bộ Y tế) – tình trạng thiếu nhân viên am hiểu các liệu pháp trị liệu về xã hội khá phổ biến ở các bệnh viện. Để triển khai tốt hoạt động CTXH tại gần 1.000 bệnh viện trên, số nhân viên CTXH chuyên nghiệp phải cần tới hàng chục ngàn người.

Trong khi đó, mô hình phòng CTXH mới chỉ áp dụng ở một vài bệnh viện trong cả nước, nhân sự thiếu. Nhiều bệnh viện chưa có chức danh chuyên môn về CTXH và các biện pháp trị liệu xã hội. Tại Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội), bệnh nhân nhiễm HIV/AISD cũng có tới 200 người nhập viện hằng năm, gia đình phải thuê người chăm sóc. Những người làm dịch vụ này đều không có kỹ năng tư vấn, kiến thức chuyên môn và phòng hộ bản thân. Theo đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), nhiều trường hợp rất cần được can thiệp của nhân viên CTXH khi bệnh nhân là trẻ vị thành niên tự tử, chậm phát triển và bị bạc đãi, bị lạm dụng thể chất và tinh thần ở trẻ nhiễm HIV…

Theo Laodong.com.vn

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.