Ba điểm nổi bật cần lưu ý của nghề công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Tại các trường đào tạo cán bộ nghề công tác xã hội y tế là một môn học trong công tác xã hội, còn được biết dưới tên công tác xã hội bệnh viện hay công tác xã hội trong lĩnh vực sức khỏe.

 

 Nhân viên công tác xã hội đang trò chuyện cùng bệnh nhân nhi tại Ngày hội Hoa hướng dương “Vì bệnh nhân ung thư”năm 2011

Công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm trợ giúp những người đang đối phó với vấn đề bệnh tật. Cán bộ nghề công tác xã hội có chuyên môn về công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và gia đình sẽ cung ứng những dịch vụ cần thiết giúp họ có cuộc sống dễ dàng hơn trong thời gian bệnh nhân mắc bệnh, và giúp họ giải quyết những hậu quả do bệnh tật trực tiếp gây ra. Công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được hợp tác thực hiện với ngành Y khoa và các chương trình y tế công cộng. Đó là việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị ngành công tác xã hội vào việc chăm sóc sức khỏe.

Những cán bộ thuộc nghề này làm việc trong lĩnh vực sức khỏe thường ở nhiều cấp độ, địa bàn khác nhau như ở các bệnh viện đa khoa; các sở y tế ; các bệnh viện, cơ sở xã hội dành cho người lớn và trẻ em khuyết tật; các khu điều dưỡng ngoại trú; các trường đại học có đào tạo khoa bệnh viện; các nhà điều dưỡng; các trung tâm sức khỏe cộng đồng; các cơ sở y tế tư nhân.

Theo nhóm nghiên cứu Khoa Xã hội học & Công tác Xã hội, Trường Đại học Mở, thành phố Hồ Chí Minh có 3 điểm nổi bật cần lưu ý của nghề công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe:

Một là, công tác xã hội ở bệnh viện. Nhân viên công tác xã hội khi tiếp xúc với bệnh nhân tại bệnh viện thường sẽ phải có đánh giá sơ qua những điểm mạnh và điểm yếu về mặt tâm lý và môi trường của bệnh nhân; hỗ trợ gia đình hợp tác trong trị liệu và giúp bệnh nhân sử dụng tốt các dịch vụ y tế hợp tác với cán bộ y tế điều trị trong việc cung cấp dịch vụ đảm bảo sử dụng tối đa kỹ năng và kiến thức của mỗi nhóm viên; cùng các đồng nghiệp có nghề nghiệp chuyên môn khác cải tiến dịch vụ của bệnh viện bằng cách chia sẻ kiến thức liên ngành…

Hai là, cán bộ công tác xã hội với người nhà bệnh nhân. Một gia đình có người ốm đau thì hầu hết hoạt động của cả nhà đều xoay quanh bệnh nhân. Cuộc sống của gia đình có khi phải tổ chức lại hay phải thay đổi nếu ai đó trong nhà đau ốm. Với sự giúp đỡ của các dịch vụ trong cộng đồng, gia đình có khả năng vận dụng các nguồn tài nguyên chăm sóc người bệnh, hay trẻ em khuyết tật. Việc này giúp gia đình đoàn kết, thống nhất, thương yêu nhau hơn. Mục đích của cán bộ công tác xã hội là hỗ trợ và tăng sức mạnh cho gia đình. Để thực hiện việc này, nhóm cán bộ công tác xã hội vận dụng các dịch vụ hiện có thông qua việc chuyển tuyến, giới thiệu thân chủ đến nơi cần đến; hoặc huy động tiềm năng của cộng đồng để ngăn ngừa bệnh tật.

Ba là, hoạt động công tác xã hội trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Không cộng đồng nào có thể xem nhẹ nhu cầu của người dân ốm đau hay người cần sự chăm sóc y tế một khi gia đình không thể gánh vác chi phí. Cộng đồng phải có những hoạt động từng bước chăm sóc sức khỏe cho thành viên của mình. Người ốm, người khuyết tật, người cao tuổi không có được sự chăm sóc cần thiết thì không có được sức khỏe, không thể đóng góp cho cộng đồng được. Cộng đồng cũng cần cùng nhau lên kế hoạch phòng ngừa những bệnh thường xuyên xảy ra hàng năm, đôi khi thành dịch đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Việc dinh dưỡng theo nhu cầu, tình trạng kinh tế và nguồn lực sẵn có tại cộng đồng cũng giúp duy trì và tăng cường sức khỏe cộng đồng. Nhân viên xã hội sẽ phối hợp cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn khác trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng tiếp cận an sinh xã hội.

Bích Liên (Theo t5g.org.vn)
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.