Lan tỏa những tấm lòng tình nguyện

Các đội nhóm, câu lạc bộ tình nguyện, trung tâm công tác xã hội ở TP Hồ Chí Minh có chung một mong muốn giản dị: Mỗi người chia sẻ một chút vật chất, thời gian để hỗ trợ những hoàn cảnh, mảnh đời kém may mắn. Chính sự gắn kết, sẻ chia này đã nhân lên những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

 

Sinh viên tham gia nhóm tình nguyện hỗ trợ các em ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè những kỹ năng vận động và giao tiếp.

 

Cứ đến ngày chủ nhật giữa tháng, nhóm “G9-Vì nụ cười trẻ thơ” lại rôm rả chuẩn bị đạo cụ cho các chương trình vui chơi, những phần quà dễ thương tặng các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Sân chơi cho các em là khoảng sân trong bệnh viện, với các trò vui nhộn như: ai thổi bong bóng nhanh hơn, tô tượng xuất sắc, câu cá… để các em giải khuây và quên đi phần nào cơn đau sau các đợt trị liệu. Phan Ðình Quý, một thành viên của nhóm G9 cho biết: Nhóm được thành lập từ năm 2012, gồm 10 thành viên với tên gọi ban đầu là: “G9-Cháo đêm ấm lòng” với công việc thiện nguyện là mang những suất cháo nóng ăn khuya đến trao cho những người neo đơn, người vô gia cư sống tạm ở vỉa hè. Hơn bốn năm nay (năm 2012 đến cuối năm 2016), mỗi tháng hai lần, nhóm phát khoảng 400 phần cháo dinh dưỡng đến những người neo đơn, kinh phí hoàn toàn do các thành viên tự đóng góp. Thanh, một thành viên khác trong nhóm chia sẻ: “Dù mỗi thành viên một tháng chỉ góp vài trăm nghìn đồng, nhưng vài chục người thì đã đóng góp được cả nghìn suất cháo gởi đến các cô, các chú không người thân thích để họ ấm lòng hơn”. Cứ thế nhân lên, kết nối với nhau qua công việc thiện nguyện, hiện nay số thành viên của nhóm G9 đã là 50 người, trong đó hầu hết các bạn đều đã đi làm, quen nhau từ bạn bè, đồng nghiệp. Từ đầu năm 2017, khi Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành đoàn thành phố phối hợp nhóm G9 chuyển qua hỗ trợ các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thì tên nhóm được đổi lại thành “G9-Nụ cười trẻ thơ”. Theo bạn Phan Ðình Quý, dù đối tượng hỗ trợ không còn là những cụ già neo đơn với những phần cháo đêm ăn khuya, nhưng các thành viên vẫn tiếp tục duy trì một số chương trình, công tác xã hội mà nhóm đã khởi xướng và tổ chức từ những ngày đầu thành lập như: Xuân biên giới (tặng quà cho trẻ em nghèo ở các vùng biên giới), Bữa cơm tất niên cho người vô gia cư (tổ chức trước ngày 15 tháng Chạp), Chương trình nghỉ mát cho người vô gia cư.

Một Chương trình tình nguyện cũng hết sức ý nghĩa được Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành đoàn thành phố khởi xướng tổ chức vào đầu năm 2016 là Lớp tập võ tự vệ cho trẻ em tự kỷ, khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè. Nhận thấy các em có nhiều hạn chế về vận động cũng như tâm lý để có thể hòa nhập cộng đồng, các thành viên của nhóm đã dạy các em một số kỹ năng về giao tiếp với người chung quanh, cách hòa nhập với môi trường, cách xử lý tình huống phát sinh. Nguyễn Công Hằng, Trưởng phòng dịch vụ công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên chia sẻ: Với những em nhỏ bị khiếm khuyết về thể lực đã khó nhưng nếu bị hạn chế, chậm phát triển về tâm thần thì càng nan giải hơn trong việc dạy kỹ năng. Tuy nhiên, nhờ các bạn tình nguyện viên là sinh viên chuyên ngành về tâm lý học hoặc có kinh nghiệm công tác xã hội, cho nên quá trình dạy võ, dìu dắt, hỗ trợ các em tiếp thu kỹ năng thuận lợi hơn. “Các thành viên trong nhóm đã mất gần một năm để giúp các em tự kỷ hay chậm phát triển tiếp thu bài học để có thêm kỹ năng hòa nhập cuộc sống. Ý nghĩa lớn hơn là giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng để tự vươn lên trong cuộc sống sau này”, Hằng cho biết.

Với chủ đề “Kết nối tình nguyện – Kết nối yêu thương” nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Những người tình nguyện (5-12), mới đây các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm tình nguyện, các tình nguyện viên tại TP Hồ Chí Minh đã chung tay tổ chức các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội, vì cộng đồng một cách hiệu quả hơn.

Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố đã triển khai mô hình “Tiếp sức người bệnh” tại các bệnh viện lớn như: Chợ Rẫy, Ung Bướu, Truyền máu huyết học, Nhi đồng, Nhân dân Gia Ðịnh… Các đội hình thanh niên tình nguyện tại các bệnh viện đã hướng dẫn quy trình khám bệnh, sơ đồ phòng khám chức năng, chuẩn bị giấy tờ thủ tục cần thiết, xếp hàng lấy số thứ tự khám bệnh, giải đáp thắc mắc giúp bệnh nhân, thân nhân người bệnh. Thời gian hoạt động từ 6 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Chương trình thu hút 1.312 lượt tình nguyện viên tham gia (trung bình 15 – 25 tình nguyện viên/ngày).

QUÝ HIỀN (Nguồn: nhandan.com.vn)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.