Đó là những chia sẻ của Hồ Ngọc Nguyên, Phó bí thư Liên chi đoàn Khoa Ngân hàng, ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Theo anh Hồ Ngọc Nguyên, mạng xã hội đang là công cụ hiệu quả để kết nối những nơi cần sự giúp đỡ. Đầu tháng 1/2017, thôn Apat (xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), được nhóm của anh Nguyên biết đến qua tấm ảnh của một sinh viên người Cơ Tu trên facebook. Cuộc sống của bà con qua bức ảnh quá cơ cực, anh Nguyên đã nhờ bạn chụp và quay thêm nhiều hình ảnh để hiểu rõ hơn, sau đó xác minh lại với chính quyền. Sau đó, ngoài những phần quà Tết ấm áp, nhóm của anh Nguyên còn dựng thêm hàng rào cho một ngôi trường tại thôn.

“Đường xa, trời rét, việc nặng nhọc, thật khó để kêu gọi đoàn viên cùng lên xe. Nếu chỉ hô hào bằng miệng, chắc chắn không khuấy động được tinh thần thiện nguyện cũng như tình cảm với đồng bào trong lòng mỗi người. Vậy nên chúng tôi quyết định sử dụng facebook làm kênh truyền thông hữu hiệu. Đầu tiên là đăng bức ảnh từ “hiện trường” gửi về, sau đó là thước phim từ những đợt tình nguyện trước với đầy đủ cung bậc cảm xúc: háo hức lên xe, xúc động gặp bà con, lăn xả hết mình dựng trường lớp, chung vui với người dân trong nhà mới, hồn nhiên múa hát cùng các em nhỏ…Những hình ảnh trực quan sinh động đó như có “ma lực” hấp dẫn đoàn viên đăng ký tham gia. Không chỉ vậy, những câu chuyện “hậu trường” tình nguyện được chia sẻ trên facebook để lại những kỷ niệm đẹp mà bất kỳ đoàn viên, sinh viên nào cũng muốn có”, anh Nguyên chia sẻ.

“Tiền đâu để đi? Lần nữa, chúng tôi lại cậy vào công nghệ thông tin để “xin tiền”. Qua nhiều bài báo và các website, chúng tôi biết thêm rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức mặn mà với công tác xã hội. Sau khi vẽ rõ lộ trình và các hoạt động của chương trình, chúng tôi liên hệ với những đơn vị đó để kêu gọi tài trợ. Cũng nói thêm, nhờ thông tin trên mạng, chúng tôi biết “gu” và khả năng hỗ trợ của từng đơn vị nên cân nhắc chuyện kêu gọi rất khéo léo. Đặc biệt khi nhà tài trợ thấy sức lan tỏa của chương trình thì khả năng gật đầu sẽ rất cao. Rồi đến cả từng phần quà, từng sợi dây thép, chúng tôi cũng mày mò trên bàn phím để tìm cho bằng được những nơi cung cấp đảm bảo chất lượng, giá tốt. Có nơi khi biết chúng tôi mua để đi tình nguyện đã bán với giá mềm hơn”, anh Nguyên cho biết.

Suốt quá trình tình nguyện, tất cả mọi khoản thu chi, phát sinh đều minh bạch trên mạng giúp mọi người dễ dàng theo dõi, đồng thời tạo niềm tin cho những ai đã gửi gắm tấm lòng nơi nhóm của anh Nguyên. Để làm động lực cho những đợt sau, nhóm của anh Nguyên ghi lại tất cả hình ảnh của thành viên trong quá trình làm việc, nhất là lúc cùng bà con hưởng thụ thành quả.

“Tôi chắc chắn rằng trái tim của mỗi đoàn viên sẽ náo nức rạo rực khi nhìn thấy lũ trẻ vùng cao thích thú ngồi trên chiếc xích đu làm bằng dây thừng, thấy những cuốn sách từ miền xuôi chạy lên miền ngược nằm trên kệ vừa mới đóng, hay ánh mắt trong veo sáng ngời lên của em bé chân đất lúc được tặng đôi dép…”, anh Nguyên qua nói.

“Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thông tin, mọi sự kết nối đều có thể tìm ra từ bàn phím. Chuyến đi tình nguyện của chúng tôi là một minh chứng rõ ràng. Chúng tôi
tìm được điểm đến, kết nối được thành viên nhiệt huyết, kêu gọi được tài trợ. Kết quả là đem hàng trăm suất quà cho bà con vùng cao được hưởng cái Tết ấm áp, xây hàng rào trường học, làm đồ chơi cho trẻ…Quan trọng hơn cả là giữ được ngọn lửa tình nguyện luôn cháy trong lòng mỗi ĐVTN”.    

 Anh Hồ Ngọc Nguyên