Hai đội Ong tình nguyện
Đó là các tình nguyện viên trong đội hình: Ong mở đường, Ong nghiên cứu của hai trường ĐH: Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Huỳnh Luân, Đội trưởng Ong mở đường, cho biết nhiệm vụ của các tình nguyện viên là tiếp cận và lập hồ sơ giúp đỡ thanh thiếu niên chưa ngoan tại Q.Bình Thạnh.
Một buổi sinh hoạt của nhóm Ong mở đường – Ảnh: Vân Anh |
Các em từ 8 đến 14 tuổi, mê chơi game, quậy phá, ít tham gia hoạt động tại trường và nơi ở được lên danh sách. “Khi đi tiếp cận, bọn mình gặp một số khó khăn vì phụ huynh chưa tin tưởng lắm. Các em không hợp tác, mình hỏi gì các em trả lời như đang phòng vệ”. Võ Thị Bảo Ngân, thành viên trong đội cho hay.
Sau khi tiếp cận được các em, tình nguyện viên tổ chức những buổi sinh hoạt tập thể, vui chơi theo chủ đề để các em hòa đồng và cởi mở hơn. Đồng thời thông qua các trò chơi tạo cho các em một số kỹ năng phản xạ, kiên nhẫn, chống đuối nước. Trong quá trình vui chơi, tình nguyện viên trò chuyện để nhận diện khó khăn của trẻ. Bên cạnh đó, tình nguyện viên đưa các em đến thăm Viện Dưỡng lão Thị Nghè, bảo tàng… nhằm giúp các em hiểu và gần gũi với cuộc sống hơn.
Nguyễn Chí Tâm, học sinh lớp 7, một trong những em nhỏ tham gia chương trình cho biết: “Em thấy rất vui khi được tham gia cùng các anh chị. Em quen được nhiều bạn hơn, các anh chị rất nhiệt tình”.
Đội hình là nơi để các tình nguyện viên ngành xã hội học áp dụng kiến thức trong việc tiếp cận đối tượng xã hội, có cơ hội thực hành khả năng đi sâu vào tâm hồn trẻ, nhận diện khó khăn của trẻ.
Khác với đội hình Ong mở đường, Ong nghiên cứu là nơi khơi gợi niềm yêu thích và khám phá khoa học cho học sinh THPT, đồng thời là nơi thử thách kiến thức cũng khả năng sáng tạo cho tình nguyện viên mê các môn khoa học cơ bản.
Ong nghiên cứu có 57 tình nguyện viên được chia làm 4 đội hình: toán, lý, hóa, sinh. Mỗi đội hình lên chủ đề và cách thức thể hiện để đến với học sinh các trường THPT: Lương Thế Vinh (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Nguyễn Khuyến (Q.10). “Bọn mình muốn mang đến các em học sinh những kiến thức khoa học bằng hình thức sinh động và dễ tiếp nhận nhất”, Đỗ Thụy Hoàng Hà, một thành viên, chia sẻ.
Trần Quốc Thiên, đội trưởng, cho biết cách thức thực hiện một buổi sinh hoạt với học sinh, các đội hình có một tuần để đề xuất đề tài thực hiện trong một tháng. Sau đó đề tài được gửi về các trường THPT, nếu đề tài phù hợp sẽ tiếp tục được triển khai và lên phương thức trình bày. Mỗi đội hình có 2 buổi trình bày thử để nhận sự góp ý từ phía các anh chị khóa trước, các tình nguyện viên đội hình khác để hoàn chỉnh bài giảng trước khi mang tới các em học sinh.
Nguyễn Lê Thảo Nguyên, học sinh lớp 12CD1, Trường THPT Nguyễn Khuyến, hào hứng nói: “Em tham gia tất cả các buổi sinh hoạt với các anh chị. Những kiến thức các anh chị mang tới vừa quen vừa lạ. Với cách trình bày lưu loát, bằng hình thức đóng kịch, kể chuyện, biến bọn em thành các nhân vật, khiến em không thấy khô khan, nhàm chán”.
Vân Anh (theo TNO)