1.000 bạn trẻ TP.HCM dự diễn đàn ‘Khát vọng thanh niên thành phố Bác’
Tại diễn đàn “Khát vọng thanh niên thành phố Bác” do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức sáng 14-10, thanh niên thành phố đối thoại cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Trong 1.000 bạn trẻ đăng ký dự diễn đàn có 441 đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2022-2027, sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16-10).
Ông Mãi đặt câu hỏi gợi mở: “Bạn nào mang tâm tình gì, suy nghĩ gì đến đại hội Đoàn và muốn nói với lãnh đạo thành phố để thực hiện được khát vọng của thanh niên TP.HCM, mời các bạn cứ chia sẻ”.
Phát huy đội ngũ trí thức trẻ, đào tạo người tài ngay tại TP
Anh Nguyễn Vũ Hoài Ân – bí thư Đoàn Trường đại học Sư phạm TP.HCM – cho hay anh mong muốn được nghe các định hướng, chính sách của thành phố để phát huy đội ngũ trí thức trẻ.
Ông Mãi hỏi lại: “Theo bạn, thành phố cần chính sách gì để phát huy đội ngũ trí thức trẻ?”. Anh Ân nói mong được tạo điều kiện, kết nối nhiều hơn.
Anh Trần Đức Sự – phó giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) – hỏi: “Thành phố có giải pháp nào đề xuất Quốc hội có những cơ chế, chính sách dành riêng cho giới trẻ không, có chính sách mới nào đột phá hơn trong sử dụng người tài?”.
Ông Phan Văn Mãi cho hay, trung ương rất quan tâm đến TP.HCM. Quốc hội đã có nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Ông Mãi cho biết ngày 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình báo cáo sẽ kéo dài nghị quyết 54 đến hết năm sau, định hướng xây dựng nghị quyết mới đề xuất những trọng tâm giúp thành phố có nhiều không gian khai thác các nguồn lực để phát triển.
Thành phố đang hoàn thiện những đề xuất để có nghị quyết tiếp theo cho thành phố. Ông Mãi đề nghị nếu có đề xuất nào, bạn trẻ cần khẩn trương gửi về để thành phố hoàn thiện dự thảo mới trình trung ương.
“Các bạn hãy đề xuất những cơ chế, chính sách vượt trội, khơi được tiềm năng sức mạnh của thành phố để thành phố chúng ta phát triển và cùng cả nước phát triển” – ông Mãi gợi mở.
Trong khi đó, chị Phạm Hồng Ngọc (Đoàn cơ quan Đại học Quốc gia TP.HCM) ví TP.HCM như thỏi nam châm của đất nước, có sức hút nhiều với nguồn nhân lực, nhưng nhu cầu việc làm hiện nay của thành phố ra sao để sinh viên biết thành phố đang cần gì ở các bạn?
Ông Phan Văn Mãi nói TP.HCM đang tập trung trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặt mục tiêu không chỉ là nơi đào tạo của cả nước mà phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực.
“Chúng ta đón nhiều sinh viên quốc tế đến học tập tại các trường ở TP.HCM. Chúng ta tiếp tục đầu tư đội ngũ, cơ sở vật chất và phương pháp để có thể trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực” – ông Mãi chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM nói hằng năm sinh viên TP.HCM đi học nước ngoài nhiều, chi hàng tỉ đô la. Nếu TP đầu tư trung tâm giáo dục, đào tạo thì không bị “chảy máu” nguồn sinh viên này.
Đặt hàng ý tưởng từ người trẻ
Trao đổi với thanh niên thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng các khu công nghiệp tại thành phố đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của thành phố và cả nước. Tuy nhiên, cần tái cơ cấu, cần tập trung công nghiệp công nghệ cao tạo giá trị lớn hơn, tạo lõi cho sự phát triển.
Nông nghiệp dù chỉ chiếm dưới 1% tỉ trọng cơ cấu kinh tế của thành phố song vẫn rất cần được đầu tư. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
“Đây là những vấn đề mà tuổi trẻ cần hết sức quan tâm, phải là nguồn nhân lực có chất lượng để cùng thành phố phát triển” – ông Mãi nhấn mạnh.
“Giao thông là vấn đề nhức nhối của thành phố chúng ta. Trời mưa ngập nước, kẹt xe giờ cao điểm mà thời gian sắp tới, phát triển hạ tầng cũng phải tính toán lại giao thông đô thị, có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân” – ông Mãi nói.
“Làm sao để có không gian cho tuổi trẻ tham gia đổi mới sáng tạo?”, ông đặt câu hỏi. Rồi ông dẫn vấn đề giao thông công cộng, ngập nước, nhà ở, thủ tục hành chính… là không gian để tuổi trẻ tham gia đổi mới sáng tạo.
“Cái nào làm chưa đúng thì sửa lại, cái nào có giải pháp mà chưa thỏa đáng thì cần đề xuất sửa, chưa hiệu quả đề xuất cải thiện cho tốt hơn. Mỗi người trẻ hãy phát huy vai trò của mình” – ông nói.
Nhắc lại lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với TP.HCM rằng TP.HCM phải là nơi phát triển về đổi mới sáng tạo và trung ương sẽ tiếp tục hoàn thiện mặt thể chế cho thành phố, ông Phan Văn Mãi nói thành phố đang xây dựng công trình Trung tâm đổi mới sáng tạo, các trường cũng có nhiều chương trình liên quan đến đổi mới sáng tạo.
“Làm sao để Đoàn tham gia xây dựng nguồn nhân lực trẻ đóng góp vào phát triển. Tôi mong các bạn phải phát triển bản thân trước. Mỗi người phát triển là chúng ta đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố” – ông chia sẻ.
Đất nước mình rất đẹp, sẽ còn phát triển…
Giao lưu tại diễn đàn, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM Trần Phước Anh nhận được câu hỏi: “Đâu là điều thôi thúc ông trong câu chuyện học tập, phấn đấu và làm việc?” và ông nói nếu nhìn lại chặng đường 20 năm qua, với ông như một thước phim.
Du học bằng học bổng ở Anh, ông từng được một số công ty mời chào làm việc với mức lương hơn 3.000 USD/tháng (so với mức lương ông nhận tại sở thời điểm đó chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, ông Phước Anh chia sẻ chưa từng có ý định sẽ định cư và làm việc ở nước ngoài. “Đất nước mình rất đẹp, còn rất nhiều cơ hội, sẽ còn phát triển nếu ta chịu dấn thân. Lúc đó tôi nghĩ vậy”, ông Phước Anh nói.
Lý tưởng là quan trọng, tuy nhiên người trẻ cần phải thực tế, cụ thể rằng bằng lý tưởng đó phải lo được cho cuộc sống hằng ngày. Ông nói cần nhận thức rõ về năng lực của mình.
“Yêu nước, muốn được đóng góp cho đất nước cũng phải hết sức rõ ràng trước niềm đam mê với công việc, không ngừng dấn thân, trau dồi thêm ngoại ngữ để cho mình thêm nhiều cơ hội”, ông Phước Anh tâm sự.
Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2020 Phạm Ngọc Phương Anh nói khi tham gia các cuộc thi sắc đẹp, bản thân cô luôn cố gắng thể hiện đúng tinh thần của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác: tự tin, học hỏi, dám nghĩ dám làm.
“Chúng ta đã chịu đựng rất nhiều hệ quả của dịch bệnh. Thời gian dịch COVID-19, tôi đã tham gia một bếp ăn miễn phí phục vụ cho các chiến sĩ, y bác sĩ. Cũng có nhiều rủi ro nhưng tôi không hề nghĩ gì ngoài chuyện đó là việc cần thiết”, Phương Anh nói về lý tưởng tuổi trẻ dấn thân.
Trong ngày 14-10, các đại biểu cũng sẽ chia thành năm tổ để tham gia các diễn đàn gắn với các chủ đề: yêu nước, đoàn kết, xung kích, sáng tạo, hội nhập – cũng chính là chủ đề của đại hội lần này.
Trước đó, tại cơ sở đã diễn ra các diễn đàn gắn với đợt sinh hoạt chủ điểm tháng 10. Thông qua các diễn đàn, các bạn trẻ có dịp thể hiện khát vọng, tình cảm, đề xuất các ý tưởng, hiến kế trong xây dựng, phát triển thành phố và đóng góp cho tổ chức Đoàn…
Chào mừng đại hội, Thành Đoàn TP.HCM đã tổ chức nhiều công trình, phần việc. Khánh thành phòng truyền thống Đoàn TP.HCM giai đoạn 2, thực hiện 25 “Không gian xanh”, 50 mảng xanh trên địa bàn thành phố, 30 chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng 20 khu lưu trú thanh niên công nhân “Văn minh – sạch đẹp – an toàn”, sơn mới 300 phòng học, xây dựng 10 sân chơi thiếu nhi bằng vật liệu tái chế, nâng cấp và bê tông hóa 35km đường – hẻm, xây mới và sửa chữa 25 nhà tình bạn, chăm lo và bảo trợ học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi vì dịch COVID-19…