TPHCM nỗ lực chăm lo Tết cho người dân

 523 tỷ đồng chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo

Năm hết, Tết đến, vấn đề người dân quan tâm nhiều là hiệu quả những chương trình bình ổn giá, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Chính vì thế, với chủ đề “Tết đến với mọi người, mọi nhà”, chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TP phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 5/1 đã thu hút nhiều ý kiến đại biểu tham gia. Cũng từ chương trình này, người dân có thể hiểu hơn những phần việc toàn TP đang nỗ lực hoàn tất để chăm lo Tết cho người dân, nhất là chăm lo gia đình chính sách, người có công, các lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên và dân nghèo. Điều hành chương trình là Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh; cùng tham dự có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Nhiều chương trình ý nghĩa chăm lo Tết

Nhận định chung của các cử tri, năm 2013, TP đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách do ảnh hưởng từ bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và kết quả là TP đổi thay từng ngày với những công trình, đô thị mới góp phần quan trọng an sinh xã hội, giúp người dân ổn định cuộc sống. Bước vào năm 2014, chuẩn bị đón Tết Giáp Ngọ, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn để có cái Tết trọn vẹn, nghĩa tình thì bên cạnh các chương trình hỗ trợ gia đình chính sách, sinh viên, công nhân, người nghèo, TP cần tổ chức đưa hàng bình ổn giá đến với người dân ngoại thành, để người dân ngoại thành cũng mua được hàng hóa tốt, bảo đảm chất lượng và đúng giá, có điều kiện vui chơi giải trí… Bên cạnh đó, TP cũng cần quan tâm thực hiện nhiều chương trình góp phần từng bước giảm khoảng cách về đời sống giữa người dân ngoại thành với thành thị.

Có cử tri cho rằng: TP, các ban ngành đoàn thể cần quan tâm chăm lo các đối tượng học viên đang cai nghiện tại các trường, trung tâm, các đối tượng khó khăn khác như người nhiễm/ảnh hưởng HIV/AIDS, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và đặc biệt là đối tượng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Thông tin thêm cho các cử tri, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết năm nay, TP chăm lo Tết không chỉ với công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp mà còn hỗ trợ cả người lao động ở các doanh nghiệp quận, huyện. Theo đó, các đối tượng được chăm lo không cần điều kiện 3 năm chưa về quê như những năm trước. LĐLĐ phối hợp các đơn vị thực hiện chương trình “Tấm vé nghĩa tình” cho 6.000 công nhân về quê đón Tết (từ tỉnh Phú Yên đến Hà Nội) và tặng quà cho 1.500 người không về quê. Đến nay, chương trình đã nhận được danh sách hơn 3.000 công nhân sẽ được nhận vé về quê trong chương trình này (danh sách do các doanh nghiệp cung cấp). Chương trình là một cách TP bày tỏ sự tri ân đối với công nhân lao động xa nhà.

Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM Huỳnh Đăng Linh cho biết Mặt trận đã vận động hơn 10 tỷ đồng để chăm lo Tết cho gia đình chính sách khó khăn, người nghèo, người già neo đơn. Đồng thời còn tổ chức kết nối để các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà Xuân tại các nhà dưỡng lão, nhà mở. Ngoài ra, UBMTTQVN TPHCM đã ủng hộ chương trình “Tấm vé nghĩa tình” 1.000 xe dành cho công nhân về quê ăn Tết với số tiền tương đương 1 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các LĐLĐ quận huyện, năm nay số công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết sẽ ở lại TP đông hơn mọi năm. Vì vậy, LĐLĐ TP đã vận động chủ nhà trọ cùng quan tâm tổ chức các hoạt động Ngày Tết gia đình, lễ hội bánh tét bánh chưng, làm bánh tét, trang trí cành mai, cành đào, họp mặt tất niên… để tạo không khí vui xuân, đón Tết dành cho đối tượng này. Riêng LĐLĐ TP, ngày 25 Tết sẽ tổ chức buổi họp mặt “Gia đình công đoàn”, dự kiến số lượng 1.800 người.

Bảo đảm không có tình trạng thiếu hàng, tăng giá


Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Lê Ngọc Đào khẳng định: “Tết này, đảm bảo không có tình trạng thiếu hàng, tăng giá và TP kiểm soát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm”.Vấn đề nổi cộm thu hút nhiều ý kiến cử tri là TP cần tăng cường quản lý nguồn hàng, bảo đảm rõ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết đến.

Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm, chương trình bình ổn thị trường của TP đã triển khai rất sớm và hiện đã tập kết lượng hàng hóa Tết trị giá gần 7.500 tỷ đồng, trong đó có 5.000 tỷ đồng cho 350 mặt hàng thiết yếu được bình ổn với cam kết thấp hơn giá thị trường trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết. TP triển khai 7.500 điểm bán hàng bình ổn được mở đến tận các khu dân cư, chợ truyền thống để phục vụ người dân, với khả năng chi phối từ 30% đến 60% nhu cầu thị trường ở các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc… Đặc biệt TP cũng sẽ tổ chức hàng trăm chuyến xe bán hàng lưu động, đến tận các khu chế xuất, khu công nghiệp, các vùng khó khăn ở Nhà Bè, Cần Giờ.

Ngành chức năng đã thành lập 30 đoàn kiểm tra, xử lý ngay những vụ tự ý tăng giá, xử lý tại khâu sản xuất những thực phẩm không đảm bảo. Mỗi ngày, khoảng 11.000 con heo, trâu, bò và 77.000 con gia cầm được lấy mẫu kiểm tra trước khi đưa ra thị trường và đến nay chưa phát hiện vi phạm.

Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM Huỳnh Lê Thái Hòa khẳng định: “Các doanh nghiệp tham gia bình ổn đều là doanh nghiệp lớn, đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản, dự trữ nguồn hàng Tết và chiếm thị phần rất lớn, cho nên, với sản phẩm bình ổn thì bà con hoàn toàn yên tâm, đã được kiểm soát chặt chẽ”.

 

523 tỷ đồng chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo TP

Phó Giám đốc Sở LĐ, TB và XH TP Lê Trọng Sang cho biết, điểm mới trong kế hoạch chăm lo Tết Giáp Ngọ năm nay là lãnh đạo TP căn cứ chỉ số trượt giá của năm 2013 quyết định tăng chi 100.000 đồng/suất quà cho các nhóm đối tượng (gia đình chính sách có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cán bộ, công chức viên chức đơn vị hành chính sự nghiệp). Ngoài ra, chương trình còn mở rộng đến nhóm đối tượng là hộ nghèo, theo chuẩn mới là hộ có mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm.

Theo đó, mức chi cho từng đối tượng cụ thể như sau: quà Tết cho người có công gồm 240.132 suất, được chia thành 3 mức (2,1 triệu đồng/suất, 1,1 triệu đồng/suất và 800.000 đồng/suất); quà Tết cho hộ nghèo (có mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) dự kiến chi 130.000 suất với 700.000 đồng/suất; quà Tết cho diện bảo trợ xã hội (trợ cấp thường xuyên, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên; đối tượng mất sức lao động hưởng trợ cấp xã hội) là 109.980 suất, mức chi 700.000 đồng/người và 155.000 suất dành cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị hành chính sự nghiệp, một số cán bộ trong hệ thống tổ chức đảng, đoàn thể và cán bộ, phường xã thị trấn. Tổng kinh phí chăm lo trên 523 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2013.

Long Hồ (nguồn Web Thành ủy TP. Hồ Chí Minh)

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.