Tình người ở trung tâm cai nghiện

Mỗi khi có người cắt cơn nghiện là từng người một tay chăm sóc, giúp đỡ vượt qua giai đoạn đau đớn nhất. Và mái ấm ấy là động lực để những con người lầm lỡ có thêm một lối về.

Tình người ở trung tâm cai nghiện
Ông Cường chỉ cho thanh niên cai nghiện trong trại phơi quần áo – Ảnh: THÁI THỊNH

Nơi đó là cơ sở tư vấn và cắt cơn cai nghiện ma túy tự nguyện Nhân Hòa (trụ sở tại thôn 3, xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Tới đây một buổi xế chiều. Nếu không có tấm biển chỉ dẫn ngoài cổng trại thì tưởng đây là một ngôi nhà. Ngoài sân, ông Nguyễn Mạnh Cường (chủ cơ sở Nhân Hòa) đang cùng ba thanh niên rôm rả chuyện trò, vừa bơm nước giặt giũ, phơi quần áo.

Ở phòng hồi sức, ba thanh niên mới nhập trại ngồi chỉnh chế độ âm thanh dàn karaoke. Vui nhất vẫn là bếp ăn, bốn người quây quần cùng cắt thịt, bóc hành, nấu nướng, tiếng cười vang vọng khắp gian nhà.

Nhìn T. (23 tuổi – một thanh niên cai nghiện trong trại) nhanh nhẹn phơi quần áo giữa sân, ít ai ngờ được rằng mới chỉ cách đây mấy tháng, anh đang phải vật lộn với những cơn nghiện ma túy.

T. kể sau khi tốt nghiệp một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội, không xin được việc làm, anh lao vào những cuộc vui chơi cùng bạn bè rồi sa chân vào ma túy. Để cai nghiện, có lúc anh đã dùng cách vào ở trong tít rừng sâu, “cai sống”.

“20 ngày cai sống trong rừng, mỗi lần lên cơn là mỗi lần tôi vật vã, nổi da gà, người giãy như tôm sống. Ban đêm không thể nào ngủ được, cứ đi vật vờ khắp rừng, lên giường nằm thì lạnh, đốt lửa sưởi thì nóng. Có khi tôi uống cả sáu viên thuốc ngủ một lúc mà vẫn không ngủ được. Sau đợt đó tôi bỏ được hai tháng nhưng đến dịp tết có tiền, bạn bè lôi kéo tôi tái nghiện” – T. kể.

T. nói từ ngày vào đây được uống thuốc nên không còn phải đau đớn, vật vã như trước nữa, cắt được cơn nghiện hẳn. Trước đây rất sợ nước không dám tắm, nhưng bây giờ một ngày tắm cả chục lần.

Ông Cường cho biết do quy mô nhỏ nên mỗi lần trại chỉ được phép nhận 10 người. Những người vào đây sau khi dùng thuốc thì ba ngày là cắt cơn, bốn ngày sau là phục hồi sức khỏe.

“Tôi thường xuyên bắt mạch để xem người nghiện lên cơn lúc nào. Khi lên cơn họ còn chửi, đòi đánh cả mình. Nhưng khi uống thuốc vào sẽ ngủ 40-48 tiếng và tỉnh dậy thì chẳng nhớ những đau đớn khi vật vã với cơn nghiện nữa” – ông Cường chia sẻ.

Sau khi dứt cơn nghiện tiếp đó sẽ là 3-4 đêm người nghiện không ngủ được. Những đêm như thế, không ai khác ngoài ông Cường lại là người thức trắng đêm cùng bệnh nhân nói chuyện, tâm sự, đánh đàn, hát cùng nhau suốt đêm.

Mỗi người đã từng vào đây, ông đều lưu lại số điện thoại để gọi thăm hỏi thường xuyên. “Cách đây mấy ngày, thằng Song gọi điện khoe một năm nay đã cắt được cơn nghiện, nay nó mới mở một tiệm cắt tóc nhỏ ở Quảng Ninh.

Nghe nó nói: “Bố ơi! Tháng sau con lấy vợ, bố ra đây với vợ chồng con nhé” mà tôi mừng đến ứa nước mắt” – ông Cường xúc động kể.

Bà Lê Thị Minh, phó chi cục trưởng phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết cơ sở được phép hoạt động từ năm 2013, theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

“Cơ sở tư vấn cắt cơn nghiện Nhân Hòa tuy mới bước đầu triển khai thực hiện nhưng đã đáp ứng nhu cầu cắt cơn giải độc cho 10-20% số người nghiện ma túy trên toàn tỉnh, góp phần làm giảm áp lực về ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa dịch vụ điều trị của người nghiện và phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác chữa trị, cai nghiện ma túy” – bà Minh nói.

THÁI THỊNH (Nguồn TTO)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.