Chuyến công tác xã hội đầu năm

Mới mờ sáng, ngày 5/2, tại sân trước của Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố rộn rã những tiếng cười đầu xuân của các thành viên đến từ Đội Công tác xã hội Thanh niên Thành phố, nhóm Nhịp sống yêu thương và nhóm G9 Cháo đêm ấm lòng để chuẩn bị cho chuyến công tác xã hội đầu tiên trong năm 2017 đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố) và Khu điều trị bệnh phong Bến Sắn (thuộc Sở Y tế Thành phố) điều trú đóng ở Bình Dương, mở đầu cho các hoạt động xã hội của năm, do Văn Phòng Kết nối tình nguyện tổ chức.

Chú Thái, là tình nguyện viên của chương trình tặng bao lì cho bệnh nhân đang điều trị tại Khu điều trị bệnh phong Bến Sắn. Ảnh: Quốc Bình.
  • Chương trình “Chuyến công tác xã hội đầu năm” đã tặng 1.200 phần quà và 1.200 bao lì xì đến các trại viên của Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa và Khu điều trị bệnh phong Bến Sắn. Riêng tại Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa, chương trình còn nấu 1.000 suất ăn phục vụ cho trại viên tại đây.

“Duyên” đầu năm

“Mình nhận được lời mời từ chương trình rất tình cờ, có thể nói là cái “duyên” đầu xuân đến với mình. Bản thân mình và ca sĩ Lê Trinh đang ăn tết ở quê Sóc Trăng thì được ban tổ chức gọi điện thoại mời và không cần suy nghĩ, mình đã nhận lời ngay đồng thời còn rủ thêm Lê Trinh cùng tham gia”, ca sĩ Thanh Tân chia sẻ. Còn ca sĩ Lê Trinh, người hết mình trên sân khấu để mong mang đến cho các trại viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa những tiết mục văn nghệ đầy vui tươi, nhưng thắm đượm sắc màu của mùa xuân “đến với chương trình này đúng là cái “Duyên”, Lê Trinh không biết sao, tự nhiên nghe thông tin chương trình, không cần suy nghĩ gì, mình nhận lợi ngây. Trong khi đó, mình đang ở Sóc Trăng và lập tức đi tìm vé xe để có mặt ở Sài Gòn và đi cùng đoàn trong thời gian sớm nhất có thể”.

Ca sĩ Lê Trinh tặng bao lì xì cho các cụ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa. Ảnh: Quốc Bình.

Bạn sinh viên Lê Ngọc đăng ký tham gia chương trình cũng thật ngẫu nhiên, “có lẽ là mình có “duyên” với chương trình này hay sao á, khi đang lướt facebook, nhìn thấy chương trình là mình đăng ký luôn. Rồi chạy xe từ Long An lên để tham gia chương trình, mặc dù chưa tới ngày đi học của mình”.

Thức dậy từ rất sớm

Có thể nói, để có mặt tại Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố trong khoảng lúc 4g sáng cho chuyến đi, các thành viên trong đoàn đã phải thức dậy từ lúc 2g sáng, thậm chí có thành viên phải thức trắng đêm để đi chợ mua thịt, rau củ quả.

Tình nguyện viên các Câu lạc bộ tham gia chương trình đang chuẩn bị vật liệu dùng nấu 1.000 suất cơm cho các trại viên. Ảnh: Quốc Bình

Một thành viên nữ đến từ nhóm G9 Cháo đêm ấm lòng chia sẻ “Mình đi làm ca đêm, nhưng để tham gia chương trình, mình phải xin xuống ca sớm để cùng các thành viên khác đi chợ mua các vật dụng cần thiết để chuẩn bị các suất ăn. Tuy thức cả đêm rất mệt, nhưng nhìn thấy các trại viên ở Chánh Phú Hòa dùng ngon miệng thì có mệt bao nhiêu cũng vui”.

Còn ca sĩ Thanh Tân thì chia sẻ “Để kịp thời gian tham gia chương trình, mình cùng ca sĩ Lê Trinh đã đón xe rất sớm để đi từ Sóc Trăng lên Thành phố và di chuyển cùng đoàn đến địa điểm tổ chức chương trình”.

Niềm vui của trại viên khi được xem chương trình văn nghệ và tham gia các trò chơi trong “Chuyến công tác xã hội đầu năm”. Ảnh: Quốc Bình.

Không chỉ các bạn tình nguyện viên thức sớm, mà các trại viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa cũng nôn nao không kém, như lời chia sẻ của cô Trương Thị Lan (57 tuổi) thì “khi biết có đoàn đến thăm trong dịp đầu xuân, cả đêm mắt không chợp được, cứ mong trồi sáng nhanh để đón được đoàn, để nghe những câu chuyện kể về cái tết ở Sài Gòn và được xem văn nghệ”.

Mong muốn đầu xuân

Hỏi về những mong muốn đầu xuân của mình, hầu hết các trại viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa và bệnh nhân khu điều trị bệnh phong Bến Sắn đều mong rằng được khỏe mạnh, được góp nhiều công sức để cuộc sống tốt đẹp hơn. Như chú Tô Văn Vân, bệnh nhân khu điều trị phong Bến Sắn chia sẻ, “Tôi vào trại phong này điều trị được 03 năm, trước đây tôi ở quận 11 (TP.HCM), tôi mong sớm được hết bệnh, được cùng con cháu đón giao thừa”. Một mong muốn thật sự là đơn giản của chú Vân, tuy nhiên thật khó để thực hiện được vì chú đã mất hết người thân trong một lần tai nạn đường biển (theo lời kể của chú Vân). Khi chia sẻ cùng chúng tôi, một người đàn ông đã ngoài 50, nhưng đôi mắt chú đang ngấn lệ và vô tình bắt gặp những cái nhìn xa xăm về một nơi nào đó của chú.

Tình nguyện viên lì xì đầu năm cho các trại viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, Bình Dương. Ảnh: Quốc Bình

Còn cô Lan (ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa) thì ước mơ của cô cũng không quá phức tạp, cô có ước “Cô mong sao được sớm về nhà, nhà cô góc ở Huế, vào Tây Ninh lập nghiệp, cô có đứa cháu nội rất kháu khỉnh”. Nhưng khi hỏi về nơi ở cụ thể của gia đình  cô thì cô nói “Giờ cô cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ ở Tây Ninh nhưng không nhớ cụ thể ở chỗ nào”.

Anh Nguyễn Nhật Phúc, Đội phó Đội Công tác xã hội Thanh niên Thành phố tặng bao lì xì cho các cụ tại Khu điều trị bệnh phong Bến Sắn. Ảnh: Quốc Bình.

Đối với em Như Ngọc hiện đang điều trị tại Khu điều trị bệnh phong Bến Sắn thì ước mơ của em rất đơn giản “em chỉ mong sao cho em và ba mẹ điều hết bệnh”.

Quốc Bình

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.